Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Huyện Cát Hải - Đảo Cát bà qua câu chuyện cổ tích

Huyện đảo Cát Hải có biết bao truyền thuyết, thần thoại được thêu dệt bằng trí tuệ, tình cảm của người dân trên đảo từ bao đời.

Đảo Cát bà

Chuyện kể rằng đã từ lâu lắm, vùng đảo núi đá này từng là hậu cứ của các bà trồng tỉa, hái lượm, cung cấp lương thực thực phẩm cho các ông ở phía trước chống lại giặc giã, khi chúng tới đánh chiếm đảo. Cũng từ trận chiến đấu này đã xuất hiện nhiều nữ tướng dũng cảm nên người đời xưa đã đặt tên cho đảo này là đảo Các Bà rồi sau này gọi lệch đi là đảo Cát Bà. Cũng từ tên gọi truyền thống này mà từ đó đến nay phụ nữ trên đảo luôn phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng, bảo vệ huyện đảo. Những tên gọi cát Phù Long, núi Đầu Voi, sông Phượng... mỗi địa danh là một sự tích hào hùng. Người huyện đảo không thể không tự hào về truyền thống của mình. Trên mảnh đất của làng nghĩa Lộ ngày nay còn tồn tại một ngôi miếu  thờ người phụ nữ đã sinh ra người trai làng dũng cảm Hùng Sơn. Hùng Sơn là người đã có công tham gia đánh giặc Ân đời vua Hùng thứ sáu. Truyền thuyết về người trai làng dũng cảm Hùng Sơn như một nét nhạc hùng, âm vang tinh thần yêu nước của một người dân trên mảnh đất này.

Do có đặc điểm địa hình núi rừng hiểm trở, tài nguyên phong phú, từ xa xưa các nhà quân sự đã rút ra một kết luận:

"Thắng vi đế vi vương
Bạ Cát Bà vi cứ"

Đảo Cát Bà đã từng là căn cứ của bao cuộc khởi nghĩa. Năm 1750 thủ lĩnh nông dân Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) dấy quân chống lại chế độ phong kiến nhà Trịnh đã lấy đảo Cát Bà làm căn cứ. Khi triều đình nhà Nguyễn bán rẻ đất nước cho Pháp, người dân trên đảo đã phẫn uất không kém gì nỗi phẫn uất của nhân dân cả nước. Năm 1893 khi quân Pháp đổ bộ lên đảo Cát Bà, ngư dân trên đảo đã tổ chức chiến đấu đánh trả quyết liệt. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Thống Tề người trai làng Trân Châu đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại hành động bán nước của nhà Nguyễn (vào năm 1873 - 1874). Từ đất Cát Bà , nghĩa quân đi tới đâu bọn quan lại phong kiến bị đánh tan tới đó, càng đánh càng mạnh. Khi cuộc khởi nghĩa lan rộng tới Quảng Yên - Hải Dương tràn xuống Thái Bình, triều đình nhà Nguyễn đã phải tập trung lực lượng đối phó. Trên đường biển, em gái Hoàng Thống Tề là bà Hoàng Lan Vù cũng đã huy động một đạo quân tiên theo bờ biển về hợp với đạo quân của ông Hoàng Thống Tề tại Thái Bình. Đứng trước sức mạnh của đội quân triều đình, cuộc khởi nghĩa của hai anh em Hoàng Thống Tề và Hoàng Lan Vù đã bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa này đã khẳng định lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của người dân trên đảo nói chung và phụ nữ Cát Hải nói riêng.

Vào những năm 1889 - 1893 phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Bắc Kỳ dấy lên mạnh mẽ. Thực dân Pháp và triều đình phong kiến thẳng tay đàn áp phong trào. Tiền Đức, một thủ lĩnh nghĩa quân miền Duyên hải đã lui quân về đảo Cát Bà xây dựng củng cố lực lượng, vùng núi non hiểm trở Cát Bà trở thành một trong những căn cứ chính của nghĩa quân. Tiền Đức đã dựa vào địa hình vùng Trung Trang, Mái Gợ, Trà Báu xây dựng đồn điền, đồn trung, đồn hậu. Cả căn cứ được bố phòng như một trận địa cố thủ kiên cố với bẫy đá hầm chông. Dân trên đảo tích cực tham gia phong trào của nghĩa quân. Tiền Đức đã chọn lựa một số dân địa phương trong đội quân của mình để giao nhiệm vụ quan trọng.

Huyện đảo Cát Hải cũng như biết bao miền quê trên đất nước chúng ta, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi trang đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Từ thuở bình minh dựng nước, Cát Hải đã có những trang đầu đẹp đẽ, người Việt cổ đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Di chỉ Cái Bèo là minh chứng cho niềm tự hào của mỗi người dân trên đảo. Con người Cát Hải từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác luôn luôn củng cố truyền thống cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Bằng đức tính cần cù trong lao động, con người huyện đảo đã không ngừng tô đẹp cho thiên nhiên ngày một hoàn thiện hơn.
Nguồn từ phòng văn hóa huyện Cát Hải

Related Post

Huyện Cát Hải - Đảo Cát bà qua câu chuyện cổ tích
4/ 5
Oleh